Ngày 15/05 vừa qua, hội thảo khoa học quốc gia về vấn đề Nghiên cứu chính trị Hàn Quốc tại Việt Nam đã diễn ra tại Trường Đại học Khoa học, Xã hội & Nhân văn TP.HCM.
Hội thảo tiến hành vào buổi chiều, từ 13h đến 15h30 với sự tham dự của TS. Lê Hoàng Dũng - phó hiệu trưởng nhà trường, đại diện tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Việt Nam - bà Kim Mi Yeon. Đồng thời cũng vô cùng hoan nghênh sự có mặt của các đại biểu khách mời, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ đến từ nhiều trường đại học và đông đảo các bạn sinh viên.
Hội thảo lần này nằm trong khuôn khổ dự án Xây dựng Trường Đại học Trọng điểm về Hàn Quốc học tại Việt Nam giữa Trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia - TP.HCM và Viện Nghiên cứu Hàn Quốc học Trung ương (AKS). Mục đích của hội thảo lần này là thảo luận các vấn đề liên quan đến chính trị Hàn Quốc, đồng thời thông qua đó tìm ra hướng đi cho sự phát triển chung trong mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc.
Chương trình đã diễn ra trong bầu không khí nghiêm túc và trang trọng, bao gồm lễ khai mạc, phiên toàn thể, phiên tiểu ban và bế mạc. Trong lễ khai mạc, TS. Lê Hoàng Dũng - phó hiệu trưởng nhà trường phát biểu rằng kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Hàn Quốc đã chủ động hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục, hội thảo này hướng đến mối quan hệ tốt đẹp của hai đất nước. Ông mong rằng về sau sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và ủng hộ từ lãnh sự Hàn Quốc, các viện nghiên cứu đào tạo, các nhà khoa học để đẩy mạnh hoạt động giao lưu học thuật.
Đáp lại, bà Kim Mi Yeon cũng gửi lời chúc mừng đến sự kiện, đồng thời cam kết sẽ tích cực hợp tác, hỗ trợ theo từng giai đoạn như trong kế hoạch đã đề ra.
Để mở đầu cho chuỗi các báo cáo nghiên cứu, trong phiên toàn thể với đề dẫn "Nghiên cứu chính trị Hàn Quốc tại Việt Nam" do TS. Bùi Hải Đăng (Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Giám đốc trung tâm Hàn Quốc học, Trường ĐH KHXH&NV) trình bày. Tiến sĩ nhận định việc nghiên cứu chính trị Hàn Quốc tại Việt Nam chưa nhiều, và chủ yếu chỉ ở tại các buổi hội thảo, tọa đàm. Tuy nhiên, tiến sĩ cũng nhìn nhận khả quan về xu hướng chuyển dịch nghiên cứu trong thời gian tới.
Sau khi phiên toàn thể kết thúc, chương trình chia ra thành ba tiểu ban song song ở ba khu vực khác nhau. Tiểu ban 1 với chủ đề Quan hệ chính trị - ngoại giao của Hàn Quốc. Tiểu ban 2 gồm tham luận và các báo cáo về Đặc trưng hệ thống và văn hóa chính trị Hàn Quốc. Trong khi đó, tiểu ban 3 nghiên cứu về Tình hình nghiên cứu, giảng dạy chính trị Hàn Quốc tại Việt Nam.
Mỗi phiên tham luận và báo cáo đều được thực hiện bởi các phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sỹ đến từ các trường đại học như Đại học KHXH&NV, Đại học Hồng Bàng, Đại học Sư phạm, Học viện Chính trị khu vực III,... Không chỉ riêng những trường đại học thuộc khu vực Hồ Chí Minh mà còn có những trường đến từ Hà Nội, Đà Nẵng.
Trong đó, khi tham dự tại tiểu ban 1, có một số đề tài gây ấn tượng như là "Chiến lược xây dựng sức mạnh mềm của Hàn Quốc và thành công của nó trong ba thập kỷ qua" (TS. Nguyễn Mậu Hùng), Tìm hiểu ca khúc phản kháng của Kim Min Gi (TS. Lê Thị Phương Thủy).
Ở những đề tài này có đề cập đến lĩnh vực như âm nhạc, được khai thác một cách tổng hợp, khá gần gũi và dễ dàng để tiếp cận. Đặc biệt, nội dung đề tài về mối quan hệ giữa sức mạnh mềm với chính trị rất thu hút. Theo học giả Nguyễn Mậu Hùng, kể từ sau chiến tranh và chia cắt Nam Bắc Hàn, Hàn Quốc là đất nước tiêu biểu có xuất phát điểm thấp và nguồn lực vô cùng hạn chế.
Tuy nhiên, thông qua chiến lược sử dụng "sức mạnh văn hóa", cụ thể là làn sóng Hàn Lưu hay còn gọi là Hallyu đã đưa đất nước này đến một tầm mới, tạo ra những ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới, vô cùng xuất sắc. Đây cũng là một trong những bài học thiết thực đối với Việt Nam về xuất khẩu văn hóa, nâng cao vị thế.
Hội thảo nghiên cứu chính trị Hàn Quốc tại Việt Nam đã diễn ra thành công tốt đẹp. Thông qua hội thảo này, ta nhận thấy trong lĩnh vực giáo dục có sự quan tâm đặc biệt đến Hàn Quốc. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây phía Hàn Quốc cũng nỗ lực thực hiện những dự án hợp tác để phát triển giáo dục tại Việt Nam.
Có thể kể đến dự án Xây dựng Trường Đại học Trọng điểm về Hàn Quốc học tại Việt Nam giữa Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG - HCM và Viện Nghiên cứu Hàn Quốc học Trung ương (AKS), Học viện King Sejong, chương trình tài trợ học bổng chính phủ, học bổng từ các tập đoàn Hàn Quốc, chương trình tài trợ nghiên cứu khoa học của viên ASK,... Có thể nói, đây là những đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy, giáo lưu mối quan hệ của hai đất nước.
Khoa Hàn Quốc Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM là đơn vị đã nhiều lần tổ chức thành công các hội thảo khoa học liên quan đến mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc như hội thảo quốc tế 30 năm quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc vào tháng 11/2022 và Hội nghị quốc tế Hàn Quốc học toàn quốc tại Việt Nam vào tháng 08/2022. Chúng ta hoàn toàn có thể đặt mong đợi vào những sự kiện tiếp theo do đơn vị này tổ chức.
Nguồn: https://vietnamese.korea.net/NewsFocus/HonoraryReporters/view?articleId=233100&pageIndex=10