Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam.

Chương I

TÊN GỌI TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH

Điều 1. Tên gọi của Hội

1. Tên tiếng Việt: Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam.

2. Tên giao dịch tiếng Anh:  Korean Research Association of Vietnam

3. Tên viết tắt tiếng Anh:  KRAV.

Điều 2. Tôn chỉ, mục đích của Hội 

1. Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hội) là tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự nguyện, không vụ lợi của các tổ chức và công dân Việt Nam đã và đang hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, quản lý giáo dục, phổ biến và giảng dạy về Hàn Quốc và các chuyên ngành khác có liên quan trên phạm vi cả nước.

2. Mục đích của Hội là tập hợp, đoàn kết những người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo và những người quan tâm đến Hàn Quốc để cùng nhau nghiên cứu, tiến hành các hoạt động nghề nghiệp về ngôn ngữ  và văn hóa Hàn Quốc trong phạm vi pháp luật cho phép với tinh thần tự nguyện nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, góp phần củng cố và tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng như giữa các nước, các dân tộc vì nền hòa bình lâu dài trên trái đất.

Điều 3. Nguyên tắc, phạm vi hoạt động và địa vị pháp lý của Hội

1. Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản; dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; tự chủ về tài chính; tuân thủ, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Điều lệ Hội.

2. Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam hoạt động trên phạm vi cả nước, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành khác có liên quan về lĩnh vực Hội hoạt động. 

3. Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu, biểu tượng và tài khoản riêng. Trong thời gian đầu, trụ sở của Trung ương Hội đặt tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (số 336, Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Chương II

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN 

Điều 4. Nhiệm vụ của Hội 

1. Tập hợp, đoàn kết các nhà khoa học, các giảng viên, các chuyên gia và  những người quan tâm đến Hàn Quốc tự nguyện cùng nhau nghiên cứu, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, học thuật, mở rộng đối ngoại và hợp tác phát triển chủ yếu ở các lĩnh vực ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc. 

2. Động viên, giúp đỡ hội viên nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của các hội viên theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội. 

3. Thực hiện chức năng tư vấn, phản biện khoa học về các vấn đề có liên quan đến ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc khi được các tổ chức, cá nhân yêu cầu theo quy định của pháp luật.

4. Nghiên cứu, thông tin và tuyên truyền kiến thức về ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam cho hội viên và đông đảo nhân dân khi được yêu cầu theo quy định của pháp luật.

5. Tham gia, phối hợp với các tổ chức, cá nhân, các cơ quan có thẩm quyền trong việc đào tạo kiến thức, nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm về ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc để góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thực hiện các chương trình, dự án, đề tài, hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực hoạt động của các hội viên theo quy định của pháp luật.

6. Tham gia nghiên cứu, xây dựng các chương trình, dự án về ngôn ngữ, văn hóa Hàn Quốc và kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước những giải pháp cần thiết để góp phần đẩy mạnh phát triển hợp tác hữu nghị với Hàn Quốc. 

7. Phát triển mối quan hệ hợp tác với các tổ chức hội, các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy khác ở trong và ngoài nước để cập nhật kiến thức và nắm bắt thông tin, góp phần tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết, bình đẳng và phát triển bền vững giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới. 

8. Tạo điều kiện cho hội viên phát huy khả năng sáng tạo, được học hỏi, bồi dưỡng kiến thức, tiếp cận và ứng dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học mới trong hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật. 

9. Liên kết giữa các hội viên để thực hiện mục đích chung của Hội.

10. Xây dựng, ban hành và hướng dẫn hội viên thực hiện quy tắc đạo đức trong hoạt động nghề nghiệp.

Điều 5. Quyền hạn của Hội 

1. Đại diện cho các tổ chức, cá nhân hội viên trong các mối quan hệ đối nội, đối ngoại có liên quan đến tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ của Hội. 

2. Tổ chức hoặc tham gia tổ chức các đợt tập huấn phổ biến kiến thức, hội nghị, hội thảo, diễn đàn khoa học trong nước và quốc tế về ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc cho hội viên theo quy định của pháp luật. 

3. Tham gia hoặc chủ trì thực hiện, nghiệm thu, đánh giá các đề tài, công trình khoa học, các dự án và cung cấp các dịch vụ chuyên môn thuộc lĩnh vực ngôn ngữ, văn hóa Hàn Quốc cho các tổ chức, cá nhân khi được yêu cầu; khuyến khích, bảo trợ và giúp đỡ hội viên nâng cao trình độ nghề nghiệp, triển khai thực hiện và giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học trong các hội nghị, hội thảo, sinh hoạt khoa học nhằm góp phần cải thiện chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về Hàn Quốc học tại Việt Nam. 

4. Được gia nhập làm hội viên của các tổ chức nghiên cứu khoa học trong nước, khu vực và quốc tế có cùng lĩnh vực hoạt động theo quy định của pháp luật.

5. Được thành lập các tổ chức pháp nhân thuộc Hội trên cơ sở có sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; được tham gia đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc HaHkhi được các tổ chức, cá nhân yêu cầu, phù hợp với quy định của pháp luật và năng lực, lĩnh vực hoạt động của Hội.

6. Được nhận các nguồn hỗ trợ, tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật; được gây quỹ Hội trên cơ sở hội phí và các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật để tự trang trải kinh phí hoạt động.

7. Được xuất bản sách, báo, tạp chí, bản tin, tài liệu chuyên môn của Hội theo quy định của pháp luật.

8. Khen thưởng hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền khen thưởng đối với các tổ chức, hội viên có thành tích trong hoạt động chuyên môn cũng như trong việc thực hiện tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ của Hội.

9.Quyết định xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân hội viên vi phạm Điều lệ Hội.

Chương III

HỘI VIÊN

Điều 6. Hội viên của Hội 

Hội viên Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam gồm hội viên chính thức, hội viên liên kết và hội viên danh dự: 

1. Hội viên chính thức: Công dân, tổ chức của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, phổ biến và giảng dạy về Hàn Quốc học và các chuyên ngành khác có liên quan, tán thành Điều lệ của Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam, tự nguyện đăng ký xin gia nhập Hội, đều có thể được Ban Thường vụ Trung ương Hội xem xét, kết nạp làm hội viên chính thức của Hội; 

2. Hội viên liên kết: Các tổ chức, cá nhân Việt Nam có đóng góp cho sự phát triển của Hội, tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện làm đơn xin gia nhập Hội và đóng hội phí được Ban Thường vụ Trung ương Hội xem xét, kết nạp làm hội viên liên kết;

3. Hội viên danh dự: Công dân Việt Nam không có điều kiện trở thành hội viên chính thức của Hội nhưng có tâm huyết, đóng góp cho sự phát triển của Hội thì được Ban Thường vụ Trung ương Hội xem xét, công nhận là hội viên danh dự của Hội. 

Điều 7. Nhiệm vụ của hội viên

1. Tôn trọng tôn chỉ, mục đích, chấp hành Điều lệ Hội, các nghị quyết của Hội, của Ban Chấp hành Trung ương Hội.

2. Tham gia tích cực vào các công việc của Hội.

3. Tuyên truyền phát triển hội viên, bảo vệ danh dự, uy tín của Hội, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp chuyên môn.

4. Đoàn kết, tương trợ với đồng nghiệp trong và ngoài Hội.

5. Tham gia sinh hoạt trong một tổ chức cơ sở của Hội, chấp hành việc đóng hội phí cho các hoạt động của Hội.

Điều 8. Quyền hạn của hội viên

1. Được tham gia thảo luận, biểu quyết tất cả các công việc của Hội, được ứng cử, đề cử vào Ban Chấp hành Trung ương Hội.

2. Được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, được tham gia hội thảo, tập huấn trong nước và quốc tế, được khuyến khích và tạo điều kiện để phát huy khả năng về mọi mặt liên quan đến nghề nghiệp theo lĩnh vực hoạt động của Hội.

3. Được giúp đỡ, tạo điều kiện nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực nghiên cứu của Hội về Hàn Quốc học.

4. Được Hội bảo vệ những quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng trong nghề nghiệp theo đúng chuyên ngành.

5. Được cấp thẻ Hội viên "Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam" và hưởng các quyền lợi khác do Hội quy định.

6. Được phép xin ra khỏi Hội.

7. Hội viên liên kết và hội viên danh dự có quyền và nghĩa vụ như hội viên chính thức trừ quyền tham gia bầu cử, ứng cử vào Ban lãnh đạo Hội, không được biểu quyết các vấn đề của Hội.

Điều 9. Thể thức vào Hội, ra Hội

1. Hội viên tổ chức và cá nhân muốn gia nhập hoặc xin ra khỏi Hội phải làm đơn xin gia nhập hoặc đơn xin ra khỏi Hội gửi Ban Thường vụ Trung ương Hội xem xét, quyết định. 

2. Hội viên sẽ bị xóa tên khỏi danh sách hội viên của Hội trong các trường hợp sau:

a) Tự nguyện xin rút khỏi Hội;

b) Hội giải thể hoặc bị giải thể;

c) Khi hội viên hoạt động trái với quy định của pháp luật Việt Nam;

d) Hoạt động trái với mục đích của Hội gây tổn hại đến danh dự, uy tín của Hội và các hội viên khác;

đ) Không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của hội viên, vi phạm nghiêm trọng Điều lệ, quy chế hoạt động và các nghị quyết của Hội.

3. Ban Thường vụ Trung ương Hội quy định cụ thể trình tự, thủ tục, thể thức vào Hội, ra Hội và xóa tên hội viên.

Chương IV

CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA HỘI

Điều 10. Tổ chức của Hội 

1. Đại hội đại biểu toàn quốc.

2. Ban Chấp hành Trung ­ương Hội.

3. Ban Th­ường vụ Trung ương Hội.

4. Ban Kiểm tra Trung ư­ơng Hội.

5. Văn phòng Trung ­ương Hội.

6. Các ban chuyên môn của Hội.

7. Các chi hội cơ sở. Tùy theo tình hình thực tế ở cơ sở (cơ quan, viện, trường) nếu có từ 05 hội viên trở lên được thành lập chi hội nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc.

8. Các tổ chức có tư cách pháp nhân trực thuộc Hội.

Điều 11. Đại hội nhiệm kỳ và Đại hội bất thường của Hội

1. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội là Đại hội đại biểu toàn quốc (sau đây gọi chung là Đại hội), nhiệm kỳ là 05 năm một lần do Ban Chấp hành Trung ương Hội triệu tập.

2. Đại hội bất thường được triệu tập khi ít nhất có 2/3 (hai phần ba) tổng số ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội, hoặc có ít nhất 1/2 (một phần hai) tổng số hội viên chính thức đề nghị.

3. Thành phần, số lượng đại biểu dự Đại hội do Ban Chấp hành Trung ương Hội đương nhiệm quy định.

4. Nhiệm vụ của Đại hội:

a) Thảo luận, thông qua báo cáo tổng kết công tác, đánh giá hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ đã qua, thảo luận và thông qua phương hướng công tác, kế hoạch hành động của nhiệm kỳ mới;

b) Thảo luận và thông qua sửa đổi, bổ sung Điều lệ (nếu có);

c) Quyết định số lượng thành viên Ban Chấp hành, bầu Ban Chấp hành và Ban Kiểm tra Trung ương Hội; 

d) Quyết định những vấn đề quan trọng về tôn chỉ mục đích, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội;

đ) Thông qua báo cáo thu, chi tài chính của Hội nhiệm kỳ đã qua và kế hoạch thu, chi tài chính nhiệm kỳ mới;

e) Thông qua nghị quyết của Đại hội.

5. Nguyên tắc biểu quyết tại Đại hội:

a) Đại hội có thể biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Việc quy định hình thức biểu quyết do Đại hội quyết định;

b) Việc biểu quyết thông qua các quyết định của Đại hội phải được trên 1/2 (một phần hai) tổng số đại biểu chính thức có mặt tại Đại hội tán thành. 

Điều 12. Ban Chấp hành Trung ương Hội 

1. Ban Chấp hành Trung ương Hội là cơ quan lãnh đạo giữa hai kỳ Đại hội. Số lượng ủy viên Ban Chấp hành Trung ương do Đại hội quyết định và trực tiếp bầu. Các thành viên của Ban Chấp hành Trung ương Hội phải là những người có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, tâm huyết với nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn cao, có năng lực và kinh nghiệm quản lý, điều hành. 

2. Ủy viên Ban Chấp hành có thể được Ban Chấp hành Trung ương Hội bầu bổ sung trong nhiệm kỳ, nhưng không được quá 1/3 (một phần ba) tổng số ủy viên trong Ban Chấp hành Trung ương Hội đã được Đại hội đại biểu toàn quốc quyết định. Ban Chấp hành Trung ương Hội họp định kỳ 06 tháng 01 lần.

3. Ban Chấp hành Trung ương Hội có nhiệm vụ:

a) Bầu Ban Thường vụ gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, các Phó Tổng thư ký và ban hành quy chế hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương Hội;

b) Tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết của Đại hội, nghị quyết của Ban Chấp hành và Điều lệ của Hội; xây dựng và tổ chức chương trình hành động hàng năm và cả nhiệm kỳ theo nghị quyết Đại hội;

c) Chuẩn bị văn kiện Đại hội, quyết định triệu tập Đại hội nhiệm kỳ và Đại hội bất thường; chỉ đạo tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc; chuẩn bị, giới thiệu nhân sự cho nhiệm kỳ tiếp theo;

d) Quyết định việc thu, chi tài chính của Hội; quản lý hoạt động của Văn phòng và các ban chuyên môn của Hội;

đ) Phát triển mối quan hệ, hợp tác với các tổ chức, các hội trong và ngoài nước, giới thiệu hội viên tham dự hội thảo, tập huấn, đào tạo trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật. 

Điều 13. Ban Thường vụ Trung ương Hội 

1. Ban Thường vụ Trung ương Hội là cơ quan thường trực của Ban Chấp hành do Ban Chấp hành Hội bầu ra, gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, các Phó Tổng thư ký và một số ủy viên. Số lượng Ban Thường vụ không quá 1/3 (một phần ba) tổng số ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thường vụ Trung ương Hội:

a) Thay mặt Ban Chấp hành lãnh đạo thực hiện các quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Hội giữa hai kỳ họp của Ban Chấp hành;

b) Lập kế hoạch, báo cáo hoạt động của Hội theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương Hội;

c) Quản lý và chỉ đạo hoạt động của các tổ chức trực thuộc Hội và các tiểu ban chuyên môn;

d) Quy định thể thức vào Hội, ra Hội; xét, quyết định công nhận hội viên hoặc đơn xin thôi không là hội viên của Hội;

đ) Quyết định khen thưởng và kỷ luật;

e) Quyết định thành lập các ban chuyên môn, các tổ chức trực thuộc Hội theo quy định của pháp luật. Ban hành các quy định riêng về việc tổ chức, hoạt động và quản lý các tổ chức trực thuộc trên cơ sở quy định của pháp luật và Điều lệ Hội;

g) Ban Thường vụ Trung ương Hội họp định kỳ 04 (bốn) tháng một lần. Khi cần thiết có thể triệu tập họp bất thường theo đề nghị của Chủ tịch và Tổng Thư ký Hội.

Điều 14. Chủ tịch Hội 

1. Chủ tịch Hội do Ban Chấp hành Trung ương Hội bầu ra trong số các ủy viên Ban Chấp hành của Hội.

2. Chủ tịch Hội là đại diện pháp nhân của Hội trước pháp luật. Chủ tịch Hội có nhiệm vụ:

a) Triệu tập, chủ trì các cuộc họp Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Trung ương Hội, điều hành việc triển khai các nghị quyết của Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Trung ương Hội theo Điều lệ Hội;

b) Bổ nhiệm nhân sự văn phòng và các tổ chức khác do Hội thành lập;

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật, Ban Chấp hành Trung ương Hội và toàn thể hội viên về mọi hoạt động của Hội. 

3. Khi Chủ tịch vắng mặt, nếu cần có thể ủy quyền cho một Phó Chủ tịch thực hiện nhiệm vụ của Chủ tịch.

Điều 15. Phó Chủ tịch Hội

1. Phó Chủ tịch là người giúp việc cho Chủ tịch Hội, do Ban Chấp hành Trung ươngHội bầu ra, được Chủ tịch Hội phân công phụ trách một số mặt hoạt động của Hội và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội. Số lượng Phó Chủ tịch Hội do Ban Chấp hành Hội quyết định.

2. Phó Chủ tịch thường trực Hội giúp Chủ tịch Hội điều hành các hoạt động của Hội theo sự phân công của Chủ tịch Hội và được ủy quyền điều hành các công việc khi Chủ tịch Hội vắng mặt.

Điều 16. Tổng Thư ký và Phó Tổng thư ký 

1. Tổng Thư ký Hội do Ban Chấp hành Trung ương Hội bầu ra, thường trực giải quyết các công việc của Hội do Chủ tịch phân công và điều hành mọi hoạt động  của Văn phòng Trung ương Hội.

2. Tổng Thư ký Hội có thể đề nghị Ban Thường vụ Trung ương Hội xem xét và quyết định thành lập các tiểu ban chuyên môn, các tổ chức phục vụ cho công tác phát triển Hội, góp phần đẩy mạnh hoạt động của Hội theo quy định của Ban Thường vụ, phù hợp với pháp luật của Nhà nước và Điều lệ của Hội. 

3. Tổng Thư ký chuẩn bị nội dung các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương Hội; định kỳ báo cáo Chủ tịch, Ban Chấp hành Hội về các hoạt động của Hội; lập báo cáo hàng năm, báo cáo nhiệm kỳ của Ban Chấp hành; quản lý tài sản, tài chính của Hội; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch và Ban Chấp hành Trung ương Hội về các hoạt động của Văn phòng Hội.

4. Phó Tổng thư ký Hội giúp việc cho Tổng Thư ký, chịu trách nhiệm trước Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch Hội được phân công phụ trách một số mặt công tác của Hội. 

Điều 17. Ban Kiểm tra Trung ương Hội 

1. Ban Kiểm tra Trung ương Hội do Đại hội đại biểu toàn quốc bầu ra, gồm: Trưởng ban, Phó Trưởng ban và một số ủy viên. Trưởng Ban Kiểm tra phải là ủy viên của Ban Chấp hành Hội. 

2. Ban Kiểm tra Trung ương Hội có nhiệm vụ:

a) Kiểm tra việc chấp hành nghị quyết Đại hội, nghị quyết của Ban Chấp hành và Điều lệ Hội, các quy chế, các chương trình công tác hàng năm của Hội; các hoạt động về kinh tế, tài chính của Hội và các tổ chức trực thuộc Hội;

b) Xem xét và kiến nghị Ban Thường vụ Hội giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến Hội, hội viên và các tổ chức trực thuộc Hội;

c) Ban Kiểm tra Trung ương Hội có trách nhiệm báo cáo kết quả kiểm tra với Ban Thường vụ, Chủ tịch Hội và Ban Chấp hành Hội theo quy chế hoạt động của Hội.

Điều 18. Văn phòng, các ban chuyên môn, các tổ chức có tư cách pháp nhân trực thuộc Hội 

1. Văn phòng và các ban chuyên môn của Hội là bộ phận giúp việc cho Ban Thường vụ Trung ương Hội, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch, hoặc một Phó Chủ tịch Hội theo phân công của Chủ tịch Hội.

2. Văn phòng Trung ương Hội, các ban chuyên môn do Ban Thường vụ Hội đề nghị Chủ tịch Hội ra quyết định thành lập. Các chức danh Chánh Văn phòng, Trưởng các ban chuyên môn của Hội do Ban Thường vụ Hội đề nghị và Chủ tịch Hội ra quyết định bổ nhiệm. 

3. Tùy theo nhu cầu công tác, Ban Thường vụ Trung ương Hội có thể thành lập các tổ chức có tư cách pháp nhân trực thuộc Hội. Việc thành lập và bổ nhiệm chức danh lãnh đạo các tổ chức có tư cách pháp nhân trực thuộc Hội thực hiện theo quy định của pháp luật. 

4. Ban Thường vụ Trung ương Hội quy định cụ thể tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của Văn phòng, các ban chuyên môn của Hội.

Chương V

TÀI SẢN VÀ TÀI CHÍNH CỦA HỘI

Điều 19. Tài sản, tài chính của Hội

1. Tài sản của Hội gồm:

a) Văn phòng, phư­ơng tiện làm việc phục vụ cho hoạt động Hội và các tài sản khác (nếu có);

b) Văn phòng Hội có trách nhiệm quản lý, bảo quản và sử dụng tài sản của Hội đúng mục đích và có hiệu quả. 

2. Nguồn thu của Hội: 

a) Hội phí của hội viên và các trung tâm trực thuộc, thu mỗi năm một lần (mức hội phí do Ban Chấp hành Trung ương Hội quy định);

b) Thu nhập do các hoạt động của Hội như: dịch vụ, tư vấn, hội thảo, đào tạo, tập huấn, lớp bồi dưỡng, xuất bản…;

c) Tiền ủng hộ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;

d) Các khoản thu hợp pháp khác;

đ) Nguồn thu từ các hoạt động của Hội không được chia cho hội viên.

3. Các khoản chi của Hội:

a) Các hoạt động giáo dục truyền thông, khoa học, công nghệ, tư vấn;

b) Hội nghị, hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho hội viên;

c) Các khoản chi cho các hoạt động văn phòng của Hội;

d) Các khoản chi khác (nếu có).

Điều 20. Quản lý tài sản, tài chính của Hội

1. Tài sản, tài chính của Hội được quản lý, sử dụng theo quy chế sử dụng tài sản, tài chính của Hội, phù hợp với các quy định của pháp luật và hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.

2. Ban Thường vụ Hội quy định cụ thể quy chế quản lý và sử dụng tài sản, tài chính của Hội. Báo cáo tài chính của Hội phải được thực hiện hàng năm trong Hội nghị Ban Chấp hành và trong Đại hội nhiệm kỳ.

Điều 21. Phương thức giải quyết tài sản, tài chính khi Hội giải thể

1. Việc giải thể Hội được thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Khi Hội giải thể hoặc bị giải thể thì toàn bộ tài sản, tài chính của Hội được xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương VI

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 22. Khen thưởng

1. Các tổ chức, cá nhân hội viên của Hội có nhiều thành tích trong công tác chuyên môn, công tác xây dựng và phát triển Hội được Hội khen thưởng hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng.

2. Ban Thường vụ Hội quy định cụ thể tiêu chuẩn, nội dung, trình tự, thủ tục và hình thức khen thưởng hội viên của Hội.

Điều 23. Kỷ luật

1. Tổ chức, cá nhân hội viên vi phạm những quy định sau đây của Hội thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử lý với các hình thức: khiển trách, cảnh cáo, khai trừ, xóa tên khỏi danh sách hội viên:

a) Vi phạm Điều lệ Hội;

b) Làm tổn hại đến uy tín, thanh danh và lợi ích của Hội, hoạt động trái với Điều lệ, nghị quyết của Hội. Nếu gây thiệt hại về vật chất thì ngoài hình thức kỷ luật còn phải bồi thường theo quy định của pháp luật;

c) Hội viên của Hội nếu trong 01 năm không nộp hội phí hoặc không tham gia sinh hoạt trong 03 kỳ liên tiếp, không có lý do chính đáng thì sẽ bị khai trừ, xóa tên khỏi Hội. 

2. Ban Thường vụ Hội quy định cụ thể tiêu chuẩn, nội dung, trình tự, thủ tục và hình thức kỷ luật hội viên của Hội.

Chương VII

CHIA, TÁCH; SÁP NHẬP; HỢP NHẤT; 

GIẢI THỂ; BỔ SUNG ĐIỀU LỆ HỘI

Điều 24. Chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể Hội

Việc chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 25. Sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội

1. Chỉ có Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam mới có quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam.       

2. Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam phải được ít nhất 2/3 (hai phần ba) số đại biểu có mặt tại Đại hội tán thành và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mới có hiệu lực thi hành.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 26. Hiệu lực thi hành

1. Điều lệ của Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam gồm 08 Chương, 26 điều đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I (nhiệm kỳ 2011-2016) thông qua ngày 24 tháng 4 năm 2011  tại Hà Nội và chính thức có hiệu lực thi hành theo Quyết định phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

2. Căn cứ các quy định của pháp luật về hội và Điều lệ Hội, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Điều lệ này./

Danh sách Ban chấp hành 

1. TS Lưu Tuấn Anh             Đại học Khoa học Xã hội - Nhân văn, ĐHQG Hà Nội

2. PGS.TS Nguyễn Thị Hoàng Ánh            Trường Đại học Ngoại thương

3. Ông Đặng Hoàng Cần                  Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Hàn

4. TS Lý Xuân Chung                      Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

5. GS.TS Mai Ngọc Chừ                  Đại học Khoa học Xã hội - Nhân văn, ĐHQG Hà Nội

6. Th.S Lê Thị Thu Giang    Đại học Khoa học Xã hội - Nhân văn, ĐHQG Hà Nội

7. Th.S Trịnh Thị Xuân Giang        Đại học Khoa học, Đại học Huế

8. PGS.TS Phan Thu Hiền   Đại học Khoa học Xã hội - Nhân văn, ĐHQG TP Hồ Chí Minh

9. TS Lê Đăng Hoan                      Bộ Công nghiệp

10. Th.S Nghiêm Thị Thu Hương   Đại học Hà Nội

11. Th.S Trần Thị Hường                             Đại học Ngoại ngữ ĐHQG Hà Nội

12. Th.S Đặng Thiếu Ngân              Tạp chí Điện ảnh Việt Nam

13. Th.S Nguyễn Ngọc Quế                        Đại học Đà Lạt

14. TS Nguyễn Thị Thắm                Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

15. TS Trần Văn Tiếng                                Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP Hồ Chí Minh

 

DANH SÁCH BAN THƯỜNG VỤ

 

 1. GS.TS Mai Ngọc Chừ                  Trường Đại học Khoa học Xã hội - Nhân văn, ĐHQG Hà Nội - Chủ tịch Hội  

2. PGS.TS Phan Thu Hiền   Trường Đại học Khoa học Xã hội - Nhân văn, ĐHQG TP Hồ Chí Minh - Phó Chủ tịch Hội

3. Th.S Lê Thị Thu Giang    Trường Đại học Khoa học Xã hội - Nhân văn, ĐHQG Hà Nội -Tổng Thư kí Hội

4. TS Lý Xuân Chung                      Viện nghiên cứu Đông Bắc Á - Ủy viên

5. Ông Đặng Hoàng Cần                  Hội Hữu nghị Việt - Hàn - Ủy viên

 

DANH SÁCH BAN KIỂM TRA

 

1. TS Lê Đăng Hoan                         Trưởng ban

2. Th.S Nguyễn Minh Chung          Phó Trưởng ban

3. Th.S Nguyễn Thùy Dương                      Ủy viên

4. Cử nhân Nguyễn Nam Chi                      Ủy viên

CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA 

HỘI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VỀ HÀN QUỐC CỦA VIỆT NAM

(Giai đoạn 2011 - 2016)

 

Trên cơ sở những nhiệm vụ chung đã nêu trong Điều lệ, trong 5 năm đầu, Hội Hàn Quốc học Việt Nam tập trung vào 6 mảng công việc như sau.

1. Hoàn thiện và phát triển Hội về mặt tố chức

Hội sẽ thành lập những đơn vị cơ sở trực thuộc Hội theo quy định của pháp luật, như:

  • Văn phòng Trung ương Hội;
  • Chi hội Hàn Quốc học Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh;
  • Tạp chí  Hàn Quốc;
  • Các ban chuyên môn của Hội;
  • Các tổ chức có tư cách pháp nhân trực thuộc (Trung tâm, v.v.).

2. Xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cho xuất bản tạp chí Hàn Quốc

Tạp chí là nơi công bố những kết quả nghiên cứu và phổ biến những kiến thức về Hàn Quốc học của các Hội viên và các nhà Hàn Quốc học.

Trước mắt Tạp chí có thể xuất bản 3 tháng / 1 kỳ, sau đó tùy tình hình có thể 2 tháng/kỳ.

3. Tổ chức một số Hội thảo và xêmina về Hàn Quốc học

Hội sẽ là đơn vị tổ chức các hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế về Hàn Quốc học.

Dự kiến, trong 5 năm, Hội sẽ tổ chức từ 3 đến 4 hội thảo lớn, quy tụ các nhà Hàn Quốc học trong phạm vi toàn quốc. 

Các bài viết trình bày trong hội thảo sẽ được in thành Kỷ yếu hội thảo tại các nhà xuất bản ở Việt Nam.

Năm 2012 kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, Hội sẽ tổ chức một hội thảo khoa học quốc gia trong phạm vi chuyên môn mà Điều lệ Hội cho phép.

Ngoài ra, theo chuyên môn hẹp thuộc từng lĩnh vực, các Chi hội có thể tổ chức các xêmina tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

4. Công bố các xuất bản phẩm về Hàn Quốc học

Xuất bản các tác phẩm về Hàn Quốc học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội.

Hội sẽ xuất bản một seri (loạt) sách về Hàn Quốc học, thuộc 2 nguồn:

  • Các sách do các nhà Hàn Quốc học của Việt Nam viết;
  • Sách dịch từ tiếng Hàn và các ngôn ngữ khác (của các nhà khoa học nước ngoài).

Trước mắt, Hội ưu tiên xúat bản những công trình liên quan trực tiếp đến việc dạy tiếng Hàn và Hàn Quốc học.

5. Tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ liên quan đến Hàn Quốc học

Hội sẽ phối hợp với các trường đại học trong nước tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ nhân dịp các ngày lễ lớn liên quan đến quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc.

Hình thức: Biểu diễn văn nghệ, Tổ chức các phòng trưng bày tranh ảnh, Tổ chức giới thiệu sách, tuần phim Hàn Quốc, v.v. 

6. Trao đổi, hợp tác với các tổ chức hội khác ở trong và ngoài nước

- Hội sẽ phối hợp với Hội Ngôn ngữ học để có những hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả việc dạy và học tiếng Hàn ở Việt Nam.

- Hội sẽ liên hệ và phối hợp chặt chẽ với Hội nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Đông Nam Á trong các hoạt động phát triển ngành Hàn Quốc học ở khu vực. 

- Hội hợp tác chặt chẽ với các tổ chức ở Hàn Quốc như Korean Foundation (Quỹ Hàn Quốc), The Academy of Korean Studies (Viện Nghiên cứu Hàn Quốc), KOICA, v.v. để tìm kiếm các nguồn tài trợ nhằm giúp đỡ Hội thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra.