Bộ Giáo dục giải thích quyết định thí điểm đưa tiếng Hàn trở thành ngoại ngữ 1

GDVN- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, đây là quyết định về việc thí điểm tiếng Hàn trở thành một trong những Ngoại ngữ 1.

Liên quan đến nội dung thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức từ lớp 3 trong chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Nguyễn Xuân Thành- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, đang có một số hiểu lầm đáng tiếc về khái niệm Ngoại ngữ 1, Ngoại ngữ 2 trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cụ thể:

Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ban hành chương trình giáo dục phổ thông quy định rõ

"Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12. Cơ sở giáo dục có thể tổ chức học Ngoại ngữ 1 bắt đầu từ lớp 1, nếu học sinh có nhu cầu và cơ sở giáo dục có khả năng đáp ứng.

Ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn, có thể tổ chức dạy học bắt đầu từ lớp 6 và kết thúc ở bất kì lớp nào tùy theo nhu cầu của học sinh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục."

Theo đó, riêng đối với môn tiếng Anh, tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 2 chương trình: một là chương trình tiếng Anh làm quen cho lớp 1 lớp 2; hai là chương trình tiếng Anh là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12 (Ngoại ngữ 1).

Đồng thời, Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT cũng đã ban hành các chương trình ngoại ngữ 2 đối với tiếng Đức, tiếng Hàn, tiếng Nga, tiếng Nhật, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc.

Tại Quyết định số 712/QĐ-BGDĐT ngày 09/02/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình môn tiếng Hàn và tiếng Đức - ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm.

Sau khi thí điểm, nếu thành công sẽ chính thức ban hành chương trình môn tiếng Hàn - Ngoại ngữ 1 và chương trình môn tiếng Đức - Ngoại ngữ 1 như chương trình môn tiếng Anh - Ngoại ngữ 1 hiện nay.

Trong phần I. Đặc điểm môn học của chương trình môn tiếng Hàn - ngoại ngữ 1 thí điểm, có ghi rõ: "môn tiếng Hàn-Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông, giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12", một số người chưa hiểu, sao chép đoạn này ra để giải thích theo ý hiểu của họ mà quên mất ngay sau tên gọi "môn tiếng Hàn" là mệnh đề "Ngoại ngữ 1", để phân biệt với chương trình môn tiếng Hàn - Ngoại ngữ 2 Bộ đã ban hành trong Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT.

Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT đã quy định rõ, Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc, thì các chương trình môn học ngoại ngữ 1 dù thí điểm, hay chính thức, cũng đều phải được mô tả đúng quy định về Ngoại ngữ 1, là môn học bắt buộc.

Như vậy, sau này học sinh có thể chọn bất cứ môn tiếng nước ngoài nào trong các môn thuộc nhóm Ngoại ngữ 1, chứ không phải là "bắt buộc" học môn tiếng Hàn như cách hiểu sai, ông Thành nói.

Về việc thí điểm, theo ông Thành hiện nay số học theo nhóm ngoại ngữ này trong các trường phổ thông rất ít. Trường hoặc địa phương nào đăng ký thí điểm thì phải đăng ký với Bộ Giáo dục và Đào tạo về số lượng học sinh, đảm bảo chất lượng ra sao rồi mới bắt đầu dạy.

Tuy nhiên, hiện nay, với quyết định này, ông Thành cho hay, những học sinh có sở thích, năng lực đã có thể chọn môn Tiếng Hàn và điểm của môn học này ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được bình đẳng và tính là điểm môn Ngoại ngữ.

 

Nguồn: https://giaoduc.net.vn/bo-giao-duc-giai-thich-quyet-dinh-thi-diem-dua-tieng-han-tro-thanh-ngoai-ngu-1-post216050.gd