Hội thảo Quốc tế: Nghiên cứu và giảng dạy Hàn Quốc học tại Việt Nam theo hướng tiếp cận liên ngành

Ngày 24/03/2023, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Nghiên cứu và giảng dạy Hàn Quốc học tại Việt Nam theo hướng tiếp cận liên ngành". Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án ULIS AKS CORE do Quỹ phát triển Hàn Quốc học - Viện nghiên cứu Hàn Quốc học Trung ương Hàn Quốc tài trợ.

alt

Tham dự hội thảo có PGS. TS. Lâm Quang Đông - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc trường; thành viên của Dự án ULIS AKS CORE và giảng viên, học viên sinh viên tiếng Hàn của trường.

Ngoài ra, hội thảo cũng có sự góp mặt của TS. Lưu Tuấn Anh - Chủ tịch Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc tại Việt Nam; GS. Chin Chong Nan - Chủ tịch hội nghiên cứu song ngữ Hàn Quốc, Giáo sư trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc; GS. Boonmalerd Kornnapha đến từ Đại học Thammasat, Thái Lan; cùng các thầy cô giáo, các học viên cao học đến từ các trường có đào tạo tiếng Hàn và Hàn Quốc học trên cả nước.

alt

Phát biểu khai mạc, Giám đốc Dự án ULIS AKS CORE Trần Thị Hường cho biết tính tới thời điểm hiện nay, công tác đào tạo ngôn ngữ Hàn cũng như nghiên cứu Hàn Quốc học ở Việt Nam sau gần 30 năm đã đạt được nhiều bước tiến lớn. Bên cạnh đó, đối tượng người học tiếng Hàn đang ngày một tăng với tốc độ chóng mặt, vô cùng đa dạng về trình độ và động cơ học tập. Đây cũng chính là nguyên nhân mà môi trường giáo dục ngoại ngữ đang phải đứng trước rất nhiều những thách thức, phải đối mặt với sự chuyển biến lớn lao của thời đại khi mà AI cũng như các công nghệ tiên tiến khác đang phát triển và "biến hóa khôn lường". Bài toán đặt ra với những người làm giáo dục đó là phải nghiên cứu làm sao tích hợp được các môn học khác nhau cùng với ngoại ngữ, từ đó tạo ra những nội dung đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người học.

alt

Đại diện Nhà trường, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông chia sẻ: Hội thảo "Nghiên cứu và giảng dạy Hàn Quốc học tại Việt Nam theo hướng tiếp cận liên ngành" là hội thảo quốc tế lần thứ 4 được tổ chức trong khuôn khổ dự án xây dựng trường đại học Hàn Quốc học trọng điểm do Quỹ Phát triển Hàn Quốc học - Viện Nghiên cứu Hàn Quốc học Trung Ương (AKS - Hàn Quốc) tài trợ cho Trường Đại học Ngoại ngữ. Mặc dù việc dạy học tiếng Hàn tại hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam như một ngoại ngữ đã có lịch sử gần 30 năm và đạt được rất nhiều thành tựu, nhưng việc nghiên cứu về Hàn Quốc học ở Việt Nam vẫn là lĩnh vực còn nhiều khoảng trống, cần phải có nhiều cố gắng hơn nữa mới có thể lấp đầy. Hội thảo quốc tế được tổ chức thường niên trong khuôn khổ dự án Xây dựng Hàn Quốc học trọng điểm của Việt Nam ngày hôm nay là những hoạt động tích cực và ý nghĩa để dần nâng cao năng lực và tiềm lực nghiên cứu của đội ngũ giảng viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc của trường nói riêng và của đội ngũ nghiên cứu, chuyên gia Việt Nam nói chung.

alt

Mặc dù trong những năm qua đã có nhiều các diễn đàn hội thảo khoa học khác của ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam được tổ chức. Song, hội thảo vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành tới từ Hàn Quốc và Việt Nam trong các lĩnh vực ngôn ngữ, giáo dục tiếng Hàn, Hàn Quốc học… Ban Tổ chức đã nhận được tổng 22 báo cáo có chất lượng của các thầy cô trong và ngoài nước, cùng với 15 ý kiến phản biện tới từ các nhà chuyên môn.

alt

Phiên toàn thể của hội thảo bắt đầu với phần phát biểu đề dẫn. Diễn giả - GS. Chin Chong Nan (Chủ tịch hội nghiên cứu song ngữ Hàn Quốc, Giáo sư trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc) đã có những chia sẻ thú vị và bổ ích xoay quanh chủ đề: "Nền tảng nghiên cứu Hàn Quốc học thông qua kết hợp liên ngành - Phương án phát triển giáo dục tiếng Hàn tại Việt Nam." Sau đó là hai báo cáo thú vị đến từ diễn giả GS. Kornnapha Boonmalerd - Đại học Thammasat - Thái Lan (Nghiên cứu giảng dạy văn hóa Hàn Quốc cho người Thái Lan: Trọng tâm là lễ cưới Hàn Quốc) và ThS. Nguyễn Thùy Dương - Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội (Tổng quan tình hình nghiên cứu về thành ngữ bốn thành tố tiếng Hàn).

alt
alt
alt

Trong chương trình tại 2 tiểu ban song song đã có 19 báo cáo được trình bày. Những kiến thức mới, quan điểm cùng với các hoạt động thảo luận đã tạo nên một hội thảo giá trị và mang tính quốc tế cao.

 

Nguồn: https://ulis.vnu.edu.vn/hoi-thao-quoc-te-nghien-cuu-va-giang-day-han-quoc-hoc-tai-viet-nam-theo-huong-tiep-can-lien-nganh/