Hội thảo "Nghiên cứu chính trị Hàn Quốc tại Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn"

Sáng 15.5, khoa Hàn Quốc học đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia Nghiên cứu chính trị Hàn Quốc tại Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Hội thảo thuộc khuôn khổ dự án Xây dựng trường đại học trọng điểm về Hàn Quốc học tại Việt Nam giữa Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM và Viện Nghiên cứu Hàn Quốc học Trung ương (AKS).

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lê Hoàng Dũng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường - chia sẻ: "Với những nội dung thảo luận sôi nổi, chia sẻ cởi mở về những vấn đề được đặt ra, bn tổ chức hy vọng Hội thảo có thể đưa ra những khuyến nghị hoặc giải pháp phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, trong những vấn đề nghiên cứu về chính trị ngoại giao, chúng ta có thể cùng nhau kiến tạo những khía cạnh quan trọng trong đối tác chiến lược toàn diện của thế kỷ 21".

alt
TS. Lê Hoàng Dũng cũng gửi lời cảm ơn đến các nhà khoa học tham gia hội thảo- Ảnh: Lý Nguyên

Tại hội thảo, bà Kim Mi Yeon - Lãnh sự phụ trách Giáo dục và Văn hóa, Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TPHCM - gửi lời chào mừng đến toàn thể đại biểu tham dự hội thảo. Bà cho biết: "Năm nay, chính phủ Hàn Quốc đã công bố kế hoạch cơ bản 5 năm về ngoại giao nhân dân lần thứ 2. Trong đó, mở rộng nền tảng toàn cầu đối với tiếng Hàn và Hàn Quốc học được chọn là một trong số những nhiệm vụ trọng tâm. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TPHCM cam kết cùng Viện đào tạo quốc tế Hàn Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với Trường ĐH KHXH&NV nói riêng và các trường đại học Việt Nam nói chung trong đa dạng các lĩnh vực hỗ trợ theo giai đoạn".

alt
Bà Kim Mi Yeon phát biểu chào mừng tại hội thảo - Ảnh: Lý Nguyên

Tiếp nối phiên toàn thể, TS. Bùi Hải Đăng - Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Giám đốc Trung tâm Hàn Quốc học - đã trình bày báo cáo đề dẫn Tình hình nghiên cứu chính trị Hàn Quốc ở Việt Nam. Trong bài báo cáo, TS. Bùi Hải Đăng kết luận một số nội dung như: việc nghiên cứu và giảng dạy về chính trị Hàn Quốc ở Việt Nam sẽ được thúc đẩy bởi nhu cầu thực tiễn của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc và việc chuyển dịch cách tiếp cận của các chương trình đào tạo Hàn Quốc học hiện nay từ việc lấy ngôn ngữ - văn hóa làm nền tảng chuyển dần sang dần chú trọng đến chính trị và kinh tế.

alt
TS. Bùi Hải Đăng trình bày một số nội dung về tình hình nghiên cứu về chính trị Hàn Quốc, quan hệ quốc tế của Hàn Quốc và tổ chức nghiên cứu về Hàn Quốc ở Việt Nam - Ảnh: Lý Nguyên

Hội thảo lần này đã nhận được 28 tham luận, được chia thành 3 tiểu ban với chủ đề của mỗi tiểu ban lần lượt là: Đặc trưng hệ thống và văn hóa chính trị Hàn Quốc, Quan hệ chính trị - ngoại giao của Hàn Quốc và Tình hình nghiên cứu, giảng dạy chính trị Hàn Quốc tại Việt Nam.

alt
Tham dự hội thảo có sự góp mặt của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện của các khoa/bộ môn; các giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước - Ảnh: Lý Nguyên

Hội thảo là dịp để các nhà khoa học trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận về những nghiên cứu, giảng dạy về chính trị Hàn Quốc tại Việt Nam. Đồng thời, Hội thảo hướng đến mục tiêu phân tích và đánh giá các bình diện, các cách tiếp cận trong nghiên cứu và giảng dạy về chính trị Hàn Quốc tại Việt Nam; qua đó, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu về chính trị Hàn Quốc tại Việt Nam, góp phần tăng cường hiểu biết về tình hữu nghị Việt - Hàn.

 

Nguồn : https://hcmussh.edu.vn/tin-tuc/hoi-thao-nghien-cuu-chinh-tri-han-quoc