Ngày 29/06/2024 tại Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế KF FRIENDS NETWORKING WORKSHOP 2024 với chủ đề "Bước tiến mới trong đào tạo, nghiên cứu tiếng Hàn và Hàn Quốc học tại Việt Nam". Hội thảo do Trường Đại học Ngoại ngữ phối hợp với Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam (KRAV) tổ chức dưới sự tài trợ của Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam.
Ngày 29/06/2024 tại Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế KF FRIENDS NETWORKING WORKSHOP 2024 với chủ đề "Bước tiến mới trong đào tạo, nghiên cứu tiếng Hàn và Hàn Quốc học tại Việt Nam". Hội thảo do Trường Đại học Ngoại ngữ phối hợp với Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam (KRAV) tổ chức dưới sự tài trợ của Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam.
Tham dự hội thảo, về phía Trường Đại học Ngoại ngữ có PGS. TS. Lâm Quang Đông - Phó Hiệu trưởng, PGS.TS. Nguyễn Lân Trung- Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, TS. Trần Thị Hường - Trưởng khoa NN&VH Hàn Quốc/Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam (KRAV), đại diện lãnh đạo các đơn vị, giảng viên và sinh viên quan tâm.
Về phía khách mời có GS. Park Sun Hee - Trưởng khoa Sau đại học Chuyên ngành Giảng dạy Ngoại ngữ, Đại học nữ sinh Ewha (Hàn Quốc), TS. Lưu Tuấn Anh - Chủ tịch Hội nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam (KRAV), ông Choi Jae Jin - Trưởng đại diện Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (Korea Foundation - KF).
Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông gửi lời cảm ơn đại diện các đơn vị đào tạo tiếng Hàn tại Việt Nam đã tham gia hội thảo và đánh giá cao nội dung những báo cáo được gửi đến. Điểm lại lịch sử quá trình giảng dạy tiếng Hàn tại Việt Nam với nhiều điểm sáng trong công tác giảng dạy cũng như nhiều hứa hẹn và triển vọng trong tương lai, PGS. TS. Lâm Quang Đông hy vọng hội thảo góp phần tạo ra "những bước tiến mới" trong lĩnh vực giáo dục tiếng Hàn, Hàn Quốc học 30 năm tới, và tin tưởng Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội có thể đóng vai trò quan trọng trong tiến trình đó.
Trưởng đại diện Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (Korea Foundation - KF) - ông Choi Jae Jin nhấn mạnh vai trò của Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc là cơ quan ngoại giao thúc đẩy hình ảnh văn hóa và đất nước Hàn Quốc ra thế giới. Ông tin tưởng hội thảo và những hoạt động của Quỹ trong thời gian qua đã góp phần đẩy mạnh ngành giáo dục tiếng Hàn tại Việt Nam.
Chủ tịch Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc tại Việt Nam Lưu Tuấn Anh gửi lời cảm ơn chân thành tới Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc và Trường Đại học Ngoại ngữ đã có nhiều hỗ trợ, đóng góp cho các sự kiện, hội thảo thường niên về tiếng Hàn và Hàn Quốc học tại Việt Nam, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục trên khắp cả nước được gặp mặt và trao đổi nhiều hơn kể từ năm 2013 cho tới nay. TS. Lưu Tuấn Anh gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các đại biểu đại diện cho các đơn vị, các nhà nghiên cứu, các thầy cô giáo đang đào tạo và nghiên cứu tiếng Hàn và Hàn Quốc học tại Việt Nam đã dành thời gian tham gia, đóng góp ý kiến tại hội thảo.
Hội thảo quốc tế về "Bước tiến mới trong đào tạo, nghiên cứu tiếng Hàn và Hàn Quốc học tại Việt Nam" tập trung bàn về hiện trạng thực tế và phương hướng triển khai đào tạo, nghiên cứu của ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam trong tương lai.
Tại phiên toàn thể đã có 2 báo cáo đề dẫn được trình bày. Báo cáo đầu tiên với chủ đề "Phát triển chương trình và sách giáo khoa tiếng Hàn trong bối cảnh mới về giảng dạy, nghiên cứu tiếng Hàn và Hàn Quốc học tại Việt Nam" do GS. Park Sun Hee (Trưởng khoa Sau đại học Chuyên ngành Giảng dạy Ngoại ngữ, Đại học nữ sinh Ewha, Hàn Quốc) trình bày. Báo cáo chỉ ra rằng trong thời đại mà nghiên cứu Hàn Quốc học đang diễn ra mạnh mẽ như ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), cần xây dựng sách giáo khoa cũng như giáo trình tiếng Hàn một cách phù hợp , nâng cao hiệu quả của người họ
Ở báo cáo thứ hai, TS. Trần Thị Hường (Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam - KRAV) đã chia sẻ về nội dung "Hiện trạng và phương hướng phát triển giáo dục ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam". Báo cáo cho biết thực trạng ngành giáo dục tiếng Hàn tại Việt Nam cũng như so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh những con số nổi bật, TS. Trần Thị Hường còn đưa ra những đặc điểm vượt trội mà ngành giáo dục tiếng Hàn Việt Nam đang có và gợi mở về một số giải pháp nhằm phát triển ngành giáo dục tiếng Hàn tại Việt Nam.
Phiên toàn thể còn có phần thảo luận do TS. Lưu Tuấn Anh - Chủ tịch KRAV, TS. Nguyễn Thị Phương Mai - Trưởng Khoa Hàn Quốc học - Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và TS. Đỗ Phương Thùy - Phó Trưởng Khoa NN&VH Hàn Quốc - Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội dẫn dắt. Phần thảo luận tập trung bàn thảo về những vấn đề liên quan đến 2 báo cáo đề dẫn trước đó.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng được tham gia trình bày và lắng nghe báo cáo ở 3 tiểu ban về các chủ đề "Nghiên cứu Ngôn ngữ Hàn Quốc và Phương pháp giảng dạy tiếng Hàn", "Giảng dạy và nghiên cứu Hàn Quốc học", "Giảng dạy Biên phiên dịch tiếng Hàn". Mỗi báo cáo là một màu sắc riêng, thể hiện sự nghiên cứu tìm tòi của các thầy cô đến từ nhiều cơ sở đào tạo tiếng Hàn trên cả nước. Những kiến thức mới, quan điểm cùng với các hoạt động thảo luận đã tạo nên một hội thảo giá trị và mang tính quốc tế cao.
Hội thảo quốc tế về Bước tiến mới trong đào tạo, nghiên cứu tiếng Hàn và Hàn Quốc học tại Việt Nam khép lại sau một ngày làm việc tích cực.
Theo ulis.vnu.edu.vn
https://ulis.vnu.edu.vn/buoc-tien-moi-trong-dao-tao-nghien-cuu-tieng-han-va-han-quoc-hoc-tai-viet-nam/?fbclid=IwY2xjawGCrQxleHRuA2FlbQIxMQABHX2ae0ONXTPwyJ4uSmbtHJNzS10pKchIk7QVJZbJQhhNmjFm7Mz04j1Qsw_aem_zsehBVsnZJmj3X3SIuT2rg